“Sel Đôlta” dịch ra tiếng phổ thông nghĩa là Cúng ông bà. Lễ, hội Sel Đôtta bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian. Từ xa xưa, đồng bào Khmer đã cho rằng : Ngoài thế giới hiện hữu là thế giới hồn linh, con người chỉ mất đi về mặt thể xác, còn linh hồn vẫn còn tồn tại ở cõi vĩnh hằng. Xuất phát từ đó, Sel (cúng) là một lễ thức không thể thiếu trong đời sống tâm linh của bà con, với mục đích vừa bày tỏ lòng biết ơn, vừa cầu mong những điều tốt lành của người đang sống đối với người đã khuất. “Sel” chủ yếu nhằm vào hai đối tượng là hồn linh những người đã mất có quan hệ huyết thống và những người có công tạo lập, bảo vệ cộng đồng dân tộc.
Ông Sơn Ngọc Sáng – 89 tuổi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer ngụ tại ấp Khoang Tang, thị trấn Long Phú kể : “ Ngày xưa, người Khmer tổ chức lễ Sel Đôlta cổ truyền kéo dài đến nửa tháng, lúc công việc ruộng rẫy đã hoàn tất cày cấy cho vụ lúa mùa. Những ngày này, nhà nhà chuẩn bị cơm, bánh trái và hoa quả ngon mang đến chùa, tổ chức thành lễ, hội chung của phum – sóc và nhờ các vị sư sãi tụng kinh cầu nguyện xin mọi điều tốt lành cho vong linh những người thân ở cõi vĩnh hằng để tỏ lòng báo hiếu và tri ân đối với ông, bà, tổ tiên …”
Chú thích ảnh: Bà con phật tử đặt bát cho chư tăng theo nghi lễ Phật giáo dịp lê Sel Đôl ta.
Lễ Sel Đôlta của đồng bào Khmer là một lễ hội lớn trong năm, mang màu sắc tín ngưỡng dân gian, xen lẫn tôn giáo, chứa đựng nhiều yếu tố tích cực. Sel Đôlta thể hiện truyền thống đạo lý “cây có cội, nước có nguồn”, mang tính nhân văn và giáo dục đạo đức sâu sắc. Bên cạnh đó, qua nội dung của lễ hội, giúp cho mọi thành viên trong gia đình được sum họp, đầm ấm, thắt chặt tình đoàn kết yêu thương giúp đỡ nhau trong cộng đồng. Lễ vật Sel Đôlta tượng trưng không thể thiếu được là bánh tét (người Khmer gọi là num chruốc).
Thượng tọa – Thạch Thươl, Chi Hôi trưởng, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Long Phú nói : “ Lễ Sel Đôtta còn được gọi là lễ Phchum banh (Phchum banh) là lễ hội tụ phước đức, vì người Khmer xem lễ này là lễ lớn nhất trong các lễ tạo phước đức. Đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ … sung sướng nhất là khi qua đời, cốt tro, than được lưu giữ trong tháp cốt của nhà chùa, được mát mẻ dưới bóng cây Bồ đề, may mắn hơn, nếu có con, hoặc cháu trai xuống tóc đi tu báo hiếu, linh hồn của người chết sẽ ít bị tác động, quay lại phù hộ cho những người hiện đang sống. Chính vì vậy, với người Khmer, bàn thờ tổ tiên không quan trọng bằng bàn thờ Phật (điểm này thì hơi khác so với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Kinh, vì đối với người Kinh, nơi trang trọng và tôn nghiêm nhất được đặt chính giữa nhà là bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ …)
Cũng như lễ Vu lan báo hiếu của người Kinh, đồng bào Khmer có ngày lễ Sel Đôlta để ghi nhớ công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của ông bà, cha mẹ vào các ngày từ 29/08 đến 1/09 âm lịch hàng năm ( theo lịch của người Khmer). Lễ Sel Đôlta thường diễn ra trong ba ngày, trong đó ngày thứ nhất các gia đình đồ xôi, đóng oản, rắc muối vừng cùng các thứ trái cây dâng lên chùa cúng Phật, dâng cơm sư sãi, mời tổ tiên về chùa hưởng lộc, đồng thời bố thí khmốt Pret (ma, quỷ đói khát), các gia đình người Khmer đều tập trung vào chùa để nghe kinh Phật và cúng linh vị tổ tiên đã gửi vào đây. Ngày thứ hai các gia đình giết gà, vịt xào nấu các món ăn, cúng mời ông bà, tổ tiên về hưởng lễ. Ngày thứ ba làm lễ cúng tiễn tổ tiên, ông bà, lễ vật cũng giống ngày thứ hai … Các gia đình còn mời bạn bè, láng giềng quen biết, quan khách, thầy cô đến ăn uống vui vẻ, chúc tụng … Sau đó gia đình lấy một ít thức ăn đặt lên bè chuối thả trôi sông, để ông bà có thức ăn đi đường, trên bè có cắm cờ vẽ hình cá sấu, ý muốn xua đuổi tà ma. Những món ăn thân thiết, gần gũi với đời thường như trái cây vườn nhà, sản vật chợ quê, nếp thơm dẻo được bàn tay khéo léo của phụ nữ Khmer chế biến thành thức ăn truyền thống như bánh tét, bánh ít, bánh nếp, bánh dừa … dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra, con cháu đồng bào người Khmer còn chuẩn bị các thức ăn, lễ vật có ý nghĩa dâng lên ông bà, cha mẹ còn sống để tỏ lòng hiếu kính, đó cũng là nét văn hóa đặc trưng của lễ Sel Đôlta đồng bào Khmer.
Trong những ngày lễ Sel Đôlta, tại các chùa Khmer còn tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn các loại hình nghệ thuật như : Hòa nhạc ngũ âm, hát dù kê, múa các điệu múa rom vong truyền thống, tổ chức các trò chơi dân gian, giao lưu thi đấu bóng đá, bóng chuyền, kéo ko, thi đấu bi sắt … để bà con vui chơi, giải trí.
Bài và ảnh: Sóc Ca.